Với sự đa dạng về chủng loại, kích thước, màu sắc… thị trường khăn bông ở các chợ như một ma trận đối với chị em phụ nữ trước bài toán lựa chọn khăn như thế nào để vừa đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình và vừa hợp túi tiền mà không phải “tiền mất tật mang”…
BẤT CHẤP MUA MÀ KHÔNG BIẾT NGUỒN GỐC
Kết quả từ một cuộc khảo sát “bỏ túi” do chúng tôi thực hiện tại khu vực TP.HCM, Bình Phước, Bình Thuận, Nha Trang, Cần Thơ…, có hơn 50% chị em phụ nữ lựa chọn khăn dựa theo cảm tính. Thói quen mua khăn của họ là đến chợ, chọn loại khăn có kích thước phù hợp với nhu cầu sử dụng, sau đó lựa chọn hoa văn, màu sắc, xem độ mềm mịn, xem giá cả và thanh toán. Đa số người tiêu dùng này đều không quá quan tâm để đặt ra những thắc mắc đơn giản như: Vì sao loại khăn này đắt tiền hơn loại khăn kia? Xuất xứ, nguồn gốc của loại khăn này? Khăn này của thương hiệu nào, ai sản xuất? Dùng loại khăn nào thì an toàn cho sức khỏe và chất liệu khăn gì phù hợp với làn da của mình? Hành vi mua khăn được nhiều người thực hiện đơn giản như một thói quen và không hề có sự cân nhắc khi lựa chọn một sản phẩm sử dụng thường xuyên và có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Khi phong trào chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng không rõ nguồn gốc độc hại lan rộng và được nhiều người ủng hộ thì cũng xuất hiện nhiều kinh nghiệm được các chị em phụ nữ truyền tai nhau khi mua sản phẩm. Chị M.D, một người người nội trợ ở Q.3 (TP.HCM) chia sẻ: “Khi đi mua khăn tôi thường cầm khăn lên xem có rớt bụi bông hay không? Nếu rớt bụi bông nhiều là khăn kém chất lượng. Hoặc một cách khác đơn giản hơn là cầm 2 chiếc khăn cùng kích thước, khăn nào nặng hơn thì khăn đó tốt hơn, việc lấy khăn chà thử vào da thấy mềm mịn thì mua…”.
Tuy nhiên theo phân tích của các chuyên gia và bác sỹ da liễu, những kinh nghiệm trên của chị D. hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Lý do là vì những đặc điểm trên còn phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất, cách thức xử lý hoàn tất, quy trình kiểm soát chất lượng, thậm chí tùy vào từng loại khăn được sản xuất cho mục đích sử dụng nào.
Khăn không rõ nguồn gốc được bày bàn phổ biến ở các chợ truyền thống
ĐÁNH ĐỔI SỨC KHỎE NGƯỜI TIÊU DÙNG VÌ LỢI NHUẬN
Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi cũng lần ra được nguồn gốc của những chiếc khăn bông giá rẻ. Thông thường, tiểu thương ở các chợ đầu mối lớn thường nhập khăn từ những “đầu nậu” hoặc khăn Trung Quốc với số lượng lớn và phân phối lại cho những chợ khác trong khu vực. Mỗi lô hàng nhập như vậy người bán ra sẽ có lợi nhuận rất cao trên 50 - 70%.
Nhiều tiểu thương và người mua đi bán lại thừa hiểu mức độ không an toàn của những sản phẩm nói trên khi đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên vì lợi nhuận họ phải bán và tiếp thị với những lời “đường mật” đến người mua. Và bản thân họ cũng không bao giờ sử dụng loại khăn này mà lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng như thú nhận của nột tiểu thương chuyên bán khăn bộng ở chợ TX. Đồng Xoài, Bình Phước.
Thực tế không ít trường hợp người dùng bị di ứng da vì phẩm màu nhuộm của khăn bông không rõ nguồn gốc. Nhẹ thì nổi mụn nhọt, ửng đỏ, nặng thì viêm nhiễm phải nhập viện điều trị. Đa số người tiêu dùng sử dụng những loại khăn này cũng không hiểu rõ vì sao lại bị tổn thương da cho đến khi tới gặp bác sỹ. Sau những trường hợp như vậy, dư luận lại lên tiếng về câu chuyện chất lượng hàng tiêu dùng và đạo đức của người kinh doanh. Tuy nhiên những cảnh báo về việc sử dụng khăn bông kém chất lượng nhanh chóng qua đi, người tiêu dùng lại rơi vào ma trận của những sản phẩm khăn bông không rõ nguồn gốc, độc hại.
Tư tưởng “chuộng hàng giá rẻ” đã ăn sâu vào suy nghĩ của rất nhiều người, không quan tâm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chỉ cần giá rẻ là mua. Thói quen tiêu dùng này đã vô tình tiếp tay cho sự phát triển mạnh mẽ của sản phẩm kém chất lượng được nhập lậu hoặc mua bán trôi nổi trên thị trường.
Người tiêu dùng không hề biết rằng nếu cứ tiếp tục sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc sẽ nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt là tổn hại đến da, tóc, nhất là phụ nữ và căn bệnh nguy hiểm ở trẻ em và nhất là bệnh ung thư.
Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới ẩm, thông thường khăn sau khi dùng xong phơi trong nhà tắm, nơi có điều kiện ẩm ướt nên rất dễ bị nấm mốc và là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn si sôi và phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, khăn là một vật dụng thân thiết, được sử dụng hàng ngày, chúng tác động trực tiếp lên da và hô hấp, do đó người tiêu dùng phải tự suy nghĩ và lựa chọn những sản phẩm thực sự tốt cho mình và người thân.
(Theo Báo Thanh niên Số 304 Ngày 31.10.2017)
Viết bình luận